TCTC (2018) so 4 ky 1 đầy đủ - page 57

56
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ
những vướng mắc.
Thứ nhất,
đối với TSCĐ: Giá trị thực tế của tài sản
= Nguyên giá tính theo giá thị trường tại thời điểm
tổ chức định giá x Chất lượng còn lại của tài sản tại
thời điểm định giá.
Theo quy định, chỉ đánh giá đối với những tài
sản mà công ty cổ phần tiếp tục sử dụng. Đối với tài
sản có giao dịch phổ biến trên thị trường thì áp dụng
phương pháp giá bán, so sánh giá bán để xác định
nguyên giá. Còn đối với tài sản không có giao dịch
phổ biến trên thị trường là áp dụng phương pháp
thẩm định giá bất động sản, máy móc thiết bị phù
hợp để xác định giá trị DN. Khi xác định tỷ lệ còn
lại của tài sản lại phụ thuộc rất lớn đến yếu tố chủ
quan của người định giá, đặc biệt là khi định giá đối
với những TSCĐ đã khấu hao thu hồi đủ vốn; công
cụ lao động, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị
vào chi phí kinh doanh nhưng công ty cổ phần tiếp
tục sử dụng phải đánh giá lại để tính vào giá trị DN
theo nguyên tắc không thấp hơn 20% giá trị tài sản,
dụng cụ mới.
Hơn nữa, khi xác định giá trị còn lại của tài TSCĐ
nói chung, máy móc thiết bị nói riêng, các công ty
định giá dựa vào Thông tư số 45/2013/QĐ-BTC quy
định về khung thời gian sử dụng các loại TSCĐ.
Tuy nhiên, khung thời gian đưa ra còn mang tính
chung chung đối với một số TSCĐ, không đúng
cho tất cả những TSCĐ mà DN có. Với việc xác
định khấu hao không hợp lý dẫn đến xác định giá
trị còn lại sẽ có sự sai lệch so với hiện trạng TSCĐ
của công ty cần định giá.
Thứ hai,
đối với giá trị lợi thế kinh doanh: Theo quy
định, giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị DN
CPH là tiềm năng phát triển của DN được đánh giá
trên cơ sở khả năng sinh lời của DN trong tương lai.
Giá trị lợi thế kinh doanh của DN = Giá trị phần vốn
nhà nước theo sổ sách kế toán tại thời điểm định giá
x (Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình
quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị DN – Lãi
suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm trở lên tại
thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị DN).
Như vậy, giá trị lợi thế kinh doanh được xác định
chỉ căn cứ trên tỷ suất lợi nhuận của 3 năm liền kề
và lãi suất trái phiếu chính phủ cho thời hạn 10 năm
tại thời điểm xác định giá trị. Trong thực tế, việc tính
toán hiện nay chỉ dựa trên các chỉ số đơn giản mà
không có sự phân tích về tình hình hoạt động của
DN trước và sau khi CPH, không có sự phân tích về
ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của DN, không có sự
phân tích đến tình hình cạnh tranh, vị trí kinh doanh
của DN trong lĩnh vực mà DN đang hoạt động... chắc
chắn làm thấp giá trị lợi thế kinh doanh của DN.
Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên là
do khi thị trường chưa thực sự phát triển, nên các
kênh thông tin trên thị trường nhiều khi mức độ
minh bạch chưa cao. Thêm vào đó, là do tài sản
của DN không phải lúc nào cũng có giao dịch trên
thị trường, hoặc có tài sản tương tự giao dịch trên
thị trường nên việc xác định nguyên giá theo giá
thị trường nhiều khi gặp khó khăn, dẫn đến các
nhà định giá không còn cách nào khác là phải lấy
nguyên giá theo sổ sách. Dẫn đến việc xác định giá
trị DNNN để CPH trong thời gian qua vẫn tồn tại
những sai lệch so với giá trị thực của DN và nhiều
khi mang nặng ý chí chủ quan, thiếu các thông số
để đối chiếu, đánh giá.
Một số giải pháp khắc phục
Để tháo gỡ những vướng mắc khi điều chỉnh
giá trị tải sản theo giá thị trường, cần có sự kết hợp
đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó:
- Về phía Nhà nước:
Tiếp tục hoàn thiện các văn
bản pháp lý liên quan xác định giá trị tài sản, giá trị
DN. Các quy định, hướng dẫn đưa ra phải thực sự
chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn.
Cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với những
trường hợp sai phạm làm thất thoát vốn NSNN. Nhà
nước nên quy định bắt buộc DN CPH cần công khai
một số chỉ tiêu tài sản, tài chính cơ bản và phương án
sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các công ty
định giá có cơ sở thông tin, dữ liệu đầy đủ, góp phần
làm cho kết quả có độ chính xác cao hơn.
- Về phía DNNN thực hiện CPH:
Cần thực hiện đầy
đủ các quy định của Nhà nước trong việc hạch toán
kế toán, kiểm kê đánh giá lại tài sản và đối chiếu xác
nhận công nợ, góp phần tạo điều kiện cho việc xác
định giá trị DN nhanh chóng, chính xác; Công khai
một số chỉ tiêu cơ bản theo quy định của Nhà nước.
- Về phía công ty định giá:
Cần có tính nguyên tắc
khi vận dụng các văn bản liên quan đến định giá
DN nói chung và sử dụng phương pháp tài sản nói
riêng theo đúng quy định của pháp luật; Nắm bắt
kỹ tình hình, thực trạng của DN thông qua các chỉ
tiêu cụ thể đã được DN cung cấp; Thường xuyên bồi
dưỡng, trau đồi, nâng cao trình độ về định giá DN cho
cán bộ định giá của công ty.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Giá (2012);
2. Nguyễn Minh Hoàng, Phạm Văn Bình (2011), Giáo trình Định giá tài sản;
3. Đoàn Văn Trường (2004), Các phương pháp xác định giá trị tài sản;
4. Nguyễn Đoàn (2005), Xác định giá trị DN trong CPH ở Việt Nam;
5. Nguyễn Minh Điện (2010), Thẩm định giá tài sản và DN.
1...,47,48,49,50,51,52,53,54,55,56 58,59,60,61,62,63,64,65,66,67,...109
Powered by FlippingBook