64
Tình trạng đô la hóa cũng đang được hạn chế
bằng nhiều chính sách khác nhau. Bên cạnh việc đưa
lãi suất tiền gửi USD về 0%, cơ chế điều chỉnh tỷ giá
hàng ngày với từng bước nhỏ, có lên và có xuống, đã
tạo nên những bất định cho các nhà đầu cơ ngắn hạn.
Nếu như trước đây, khi người dân dự báo NHNN
có thể phá giá 1-2% trong ṿ
ng một vài tuần tới, họ sẽ
mua USD trước để đợi giá USD tăng, thì với chính
sách mới, sẽ rất khó thu được lợi nhuận lớn từ việc
nắm giữ USD trong ngắn hạn. Lợi ích từ việc nắm
giữ USD sẽ chỉ nhìn thấy rõ sau một thời gian tính
bằng quý và sẽ vẫn thấp hơn so với việc nắm giữ
VND. Đó là chưa kể người dân và doanh nghiệp sẽ
phải mất thêm chi phí giao dịch, khi giá mua cao hơn
giá bán khoảng 50-100 VND cho mỗi USD.
Hơn nữa, mặc dù tạo nên những bất định về
tỷ giá trong ngắn hạn, NHNN vẫn chủ trương ổn
định tỷ giá và thị trường tiền tệ trong trung hạn
thông qua các hợp đồng bán USD kỳ hạn cho các
NHTM. Chẳng hạn, nếu NHNN chào bán USD kỳ
hạn 3 tháng với mức giá cao hơn 1% so với mức giá
USD hiện tại, có thể hiểu rằng NHNN muốn đưa ra
thông điệp giá USD trong vòng 3 tháng tới sẽ không
tăng quá 1%.
Điểm khó đoán là sự biến động của tỷ giá giữa các
đồng tiền trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, các biến
động trên thế giới sẽ chỉ tác động một phần lên chính
sách tỷ giá của NHNN, vì Việt Nam có những vấn
đề riêng phải giải quyết và không thể để tỷ giá VND/
USD biến động hoàn toàn theo thị trường thế giới.
Triển vọng tỷ giá nhìn từ thị trường tài chính
quốc tế
Trong năm 2015, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang
Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã thúc đẩy các dòng vốn
chảy từ các nước đang phát triển về Mỹ, khiến đồng
USD mạnh lên và các đồng tiền của nhiều nước bị
mất giá. Trong thời gian tới, khả năng đồng USD
tăng giá vẫn còn nhưng một số dự báo cho rằng
mức tăng sẽ không mạnh như trong năm 2015, vì thị
trường đã phản ứng từ trước. Nếu vậy, sức ép phá
giá VND từ chính sách của Fed cũng sẽ không lớn
như trong năm 2015.
Tuy nhiên, diễn biến của đồng Nhân dân tệ
(NDT) vẫn khó lường. Khả năng Trung Quốc sẽ vẫn
để cho đồng nhân dân tệ giảm giá, vì xuất khẩu của
nước này đang sụt giảm, đồng thời nhiều doanh
nghiệp của Trung quốc bị thua lỗ, thậm chí phá sản.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không
phá giá mạnh, vì người dân Trung Quốc hiện cũng
đã bắt đầu mua USD để tích trữ. Nếu Trung Quốc
phá giá mạnh, làn sóng tích trữ USD có thể gia tăng
và khiến tình hình phức tạp thêm.
Hơn nữa, kể cả khi đồng NDT mất giá mạnh,
nhưng giá trị của các đồng tiền khác ổn định hơn,
sức ép phá giá đối với VND cũng sẽ không quá lớn,
vì NHNN hiện nay hoạch định chính sách tỷ giá
dựa trên một rổ tiền tệ bao gồm: USD, Euro, JPY,
Nhân dân tệ, SGD, KRW, BATH, TWD.
Tóm lại, trong trung hạn tình hình cung - cầu
ngoại tệ tại Việt Nam tương đối thuận lợi cho việc
ổn định tỷ giá VND/USD. Chính phủ cũng chủ
trương ổn định tỷ giá VND/USD để giảm lãi suất,
hỗ trợ kinh tế phục hồi, đồng thời giảm sức ép lên
ngân sách và nợ công.